Phương pháp Tiếp cận Reggio Emilia - Trẻ tiếp nhận kiến thức và khám phá thế giới mà trẻ muốn
Phương pháp tiếp cận Reggio Emilia là dạy trẻ em đặt sự phát triển tự nhiên của mình cũng như các mối quan hệ gần gũi mà trẻ chia sẻ với môi trường, trẻ có quyền và nên được tạo cơ hội để phát triển tiềm năng của mình. “Mọi trẻ em đều là những đứa trẻ có năng lực, ham học hỏi, có đầy đủ khả năng, tiềm năng để khám phá thế giới xung quanh. Trẻ em có quyền được tìm hiểu, khám phá những điều mà trẻ muốn.”
*Bài viết dưới đây được tổng hợp từ Tọa đàm “Áp dụng Phương pháp Tiếp cận Reggio Emilia trong lớp học mầm non” do LittleLives - Đơn vị cung cấp phần mềm quản lý trường học tổ chức. Việc sao chép nội dung dưới mọi hình thức cần phải được trích dẫn nguồn từ tác giả.*
Một đứa trẻ có thể nói một trăm "ngôn ngữ", có nghĩa là trẻ em có thể nói chuyện với thế giới và thể hiện suy nghĩ của mình theo nhiều cách khác nhau: qua tranh vẽ, ca hát, trò chơi,.... Nhưng người lớn thường cố gắng làm im lặng 99 "ngôn ngữ" còn lại. Vì vậy, nhiệm vụ của thầy cô giáo chính là lắng nghe con và dạy con những “ngôn ngữ" tuyệt vời khác trong cuộc sống hàng ngày.
Ba nguyên tắc để thiết kế môi trường lớp học theo phương pháp tiếp cận Reggio Emilia
Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng tiềm ẩn khác nhau và nhiệm vụ của nhà trường và phụ huynh chính là cùng nhau để tạo nên một môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ.
Nguyên tắc đầu tiên của phương pháp tiếp cận Reggio Emilia chính là xây dựng trường học, lớp học cởi mở, thân thiện. Một môi trường thân quen, gần gũi sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa mình hơn và kích thích sự khám phá của trẻ. Phương pháp tiếp cận Reggio Emilia cũng đề cao tinh thần làm việc nhóm của trẻ rất nhiều. Trẻ có cơ hội được đưa ý kiến của riêng mình, được chia sẻ cảm xúc và cùng nhau thảo luận, giải quyết vấn đề.
Nguyên tắc thứ hai là môi trường nuôi dưỡng, điều này cũng giúp tạo điều kiện để trẻ phát triển tốt hơn khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương, chăm sóc mà thầy cô dành cho mình. Nhiệm vụ của giáo viên là quan sát để hiểu được những mối quan tâm của trẻ trong quá trình xây dựng các dự án học tập trong tương lai, tiếp tục nuôi dưỡng sự hứng thú và niềm yêu thích đó. Giáo viên hãy để trẻ hiểu rằng, không có câu trả lời đúng hay sai. Mọi ý kiến đều được tôn trọng và chúng ta cũng cần tôn trọng ý kiến của mọi người.
Và cuối cùng, một môi trường như ở nhà là điều vô cùng quan trọng. Khó có thể đưa ra một quy chuẩn trong thiết kế môi trường học tập theo phương pháp tiếp cận Reggio Emilia. Ở mỗi một đất nước, một vùng miền, một thành phố lại có đặc điểm nổi bật, nét quen thuộc khác nhau giúp trẻ cảm thấy môi trường đó như ở nhà vậy. Ngoài yếu tố sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên thì phương pháp tiếp cận Reggio Emilia cũng đề cao việc xây dựng các góc học tập, khung cảnh trong lớp học sao cho thật gần gũi với trẻ.
Trong buổi Tọa đàm Áp dụng Phương pháp Tiếp cận Reggio Emilia trong lớp học mầm non, cô Drizzle - Giám đốc - Sáng lập Trường mầm non Roots and Boots Singapore, Nguyên Cố vấn học thuật tại Trường mầm non Odyssey, The Global Preschool thuộc Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Busy Bees; Giảng viên Trường Đại học Wheelock Singapore đã chia sẻ một số khái niệm chính trong phương pháp tiếp cận này:
Giáo viên - Người quan sát đóng một vai trò quan trọng trong phương pháp tiếp cận Reggio Emilia
Phương pháp tiếp cận Reggio Emilia không có một chương trình học cụ thể hay giáo án cố định. Nói như vậy không có nghĩa là mọi thứ không có kế hoạch, mà phải có kế hoạch và khả năng lập kế hoạch giảng dạy của giáo viên ở cấp độ cao nhất. Nếu muốn làm được, giáo viên phải được đào tạo bài bản về phương pháp, ngoài tình yêu trẻ và sự tâm huyết của các cô với trẻ, với nghề, giáo viên cần có kiến thức tổng quát về chương trình giáo dục mầm non, tâm sinh lý trẻ từng độ tuổi khác nhau, kỹ năng quan sát, lắng nghe, lập kế hoạch… để định hướng sự phát triển cho trẻ, thể hiện tình yêu thương và sự tôn trọng với trẻ. Thêm vào đó, việc bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn một cách liên tục là điều rất cần thiết. Vì vậy, giáo viên cũng có thể tham gia các khóa học, tham khảo các nguồn tài liệu, tham quan các trường học theo phương pháp tiếp cận Reggio Emilia để hiểu hơn về phương pháp tiếp cận này, cách xây dựng môi trường, dự án cho trẻ, các mục tiêu phát triển.
Một lớp học truyền thống, sĩ số trẻ có thể lên đến 40 hoặc 50 thì có áp dụng được phương pháp tiếp cận Reggio Emilia hay không? Câu trả lời là: Hoàn toàn có thể. Dành cho các con một môi trường học tập có nhiều hoạt động, nhiều cơ hội, các nguyên vật liệu và góc chơi đầy đủ cho các con. Và các con có thể học từ môi trường, từ các bạn của mình thông qua việc tham gia vào các hoạt động với các nguồn lực có sẵn và tương tác với nhau. Thay vì việc quan sát, lắng nghe từng trẻ, giáo viên lúc này có thể lùi lại một bước để bao quát đảm bảo an toàn cho các con và tương tác trong các nhóm lớn hơn cùng con.. Và để làm được điều đó, chắc chắn giáo viên sẽ cần trau dồi kỹ năng quan sát, phân tích và củng cố chuyên môn của mình tốt hơn, sâu hơn. Điều đó cho thấy giáo viên là người thầy quan trọng trọng việc quyết định đến chất lượng hoạt động, dự án, chất lượng truyền đạt kiến thức cho các bé. Chúng ta hoàn toàn có thể linh hoạt để đưa Phương pháp tiếp cận Reggio Emilia vào một cách phù hợp trong khả năng của nguồn lực hiện có về con người, môi trường hay khả năng tài chính… Đừng quá lo lắng, chỉ cần chúng ta muốn, chúng ta sẽ tìm ra cách.
Việc quan sát và đánh giá trẻ sẽ là một hoạt động cần thiết, thường xuyên và liên tục hàng ngày, hàng tuần. Và mỗi lứa tuổi lại có cách đánh giá khác nhau, mỗi trường mầm non sẽ có một mẫu đánh giá khác nhau, nhưng đâu đó cũng hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ. Có thể đánh giá theo các mục tiêu như hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục của Bộ Giáo Dục về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và các kỹ năng xã hội, thẩm mỹ. Hoặc có những mục tiêu khác để đánh giá như về tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm v.v..
Phương pháp tiếp cận Reggio Emilia có thể áp dụng với mọi lứa tuổi mầm non
Đã có rất nhiều băn khoăn về việc có hay không việc áp dụng hiệu quả phương pháp tiếp cận Reggio Emilia cho trẻ dưới 36 tháng tuổi? Buổi tọa đàm với các chia sẻ từ các Nhà giáo dục đã giúp giải đáp rất rõ điều này. Với độ tuổi quá bé, nhận thức chưa hoàn thiện của các bé 0-36 tháng, điều quan trọng nhất là giáo viên cần biết được điều gì là nguy hiểm với trẻ trong độ tuổi này và đảm bảo trẻ được an toàn đề khám phá thế giới. Thay vì tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm ngoài trời, giáo viên có thể mang những vật liệu thiên nhiên vào các lớp học này. Dù dù trẻ chưa thể nói ra điều mình hứng thú nhưng giáo viên hoàn toàn có thể quan sát trẻ và lên kế hoạch có các chủ đề học tiếp theo. Và sự quan sát và điều đặc biệt quan trọng đối với giáo viên khi dạy trẻ ở lứa tuổi này.
Để tổ chức lớp học theo hướng Reggio Emilia cho trẻ dưới 3 tuổi, có một số lưu ý sau:
- Phương pháp Reggio Emilia có thể áp dụng được trước hết ở việc thay đổi phương pháp và vai trò của giáo viên, trẻ, môi trường: trẻ là người dẫn dắt; giáo viên là người quan sát, tổ chức môi trường trải nghiệm và đảm bảo an toàn, hỗ trợ quá trình học tập cho trẻ; môi trường là người thầy thứ 3 giúp trẻ học tập và khám phá. Dù ở độ tuổi dưới 3, trẻ cũng luôn cần được tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ với thái độ ấm áp, tích cực. Giáo viên không nên ngăn cản, hạn chế, cấm đoán trẻ trải nghiệm, tuy nhiên, cần đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Ví dụ khi trẻ muốn trèo lên cao, chúng ta thường có xu hướng ngăn cản, kéo trẻ xuống. Trẻ có nhu cầu khám phá và tìm hiểu mọi thứ, chúng cũng cần được vận động nhiều. Khi chúng ta kéo chúng xuống, ngăn không cho chúng thực hiện điều này sẽ làm cho trẻ cảm thấy mình bực bội, khó chịu. Bài học mà trẻ muốn học vẫn chưa học xong và vì vậy, cứ kéo xuống chúng lại trèo lên. Nếu chúng ta cho phép trẻ trèo, nhưng đảm bảo ở cạnh để giữ an toàn cho trẻ hoặc đặt một số đệm, gối ở dưới và giải thích cho trẻ về các nguy cơ có thể xảy ra. Trẻ có thể leo lên và bị ngã, song vẫn an toàn. Trẻ học xong bài học về việc trèo lên cao và cũng học được kinh nghiệm nếu không cẩn thận có thể bị ngã. Khi đã học xong, trẻ không trèo lên nữa hoặc trèo lên và đã tự học được cách giữ cho mình an toàn.
- Về setup môi trường và các học cụ, chúng ta cần hiểu trẻ dưới 3 tuổi có nhu cầu khám phá bằng mọi giác quan: nhìn, sờ, nghe, ngửi, nếm. Các bé sẽ gõ, đập, ném và cho vào miệng để khám phá. Các học cụ, học liệu có thể sẽ rất nhanh hỏng, vỡ do nhu cầu khám phá này. Chính vì vậy, các học cụ học liệu mang vào cần đảm bảo sức khỏe, an toàn cho trẻ. Trẻ dưới 3 tuổi cũng chưa hiểu nhiều về nguyên tắc thu dọn và sắp xếp đồ chơi. Thậm chí ở tuổi này, trò chơi yêu thích của các bạn là đổ vào, lấy ra, kéo đổ các đồ chơi trên giá xuống sàn. Các cô giáo cũng đừng vì vậy mà cho rằng trẻ phiền toái và cất hết đồ chơi lên cao hoặc bắt ép trẻ phải thu dọn đồ chơi bằng được trong khi trẻ vẫn đang thích chơi. Hãy để trẻ tự do chơi, tự do khám phá theo cách riêng và hứng thú của mình. Khi muốn thu dọn đồ, người lớn cần làm gương thực hiện việc đó. Nếu các cô giáo thu dọn đồ chơi với một sự say mê hứng thú, trẻ cũng sẽ mong muốn học theo các cô để thu đồ chơi. Các cô hãy hát bài hát chuyển tiếp để báo trước cho trẻ. Nếp thu đồ chơi cho trẻ được rèn bằng sự lặp lại quen thuộc cùng cảm giác tích cực về việc thu đồ chơi: trẻ không bị ngăn cản, ngắt quãng việc đang chơi, trẻ không bị ép hay quát, mắng, phạt về việc không thu đồ chơi và trẻ được quan sát giáo viên thu dọn đồ chơi với sự vui vẻ, say mê. Lớp học của các bé 0-3 tuổi có thể trông sẽ hơi bừa bãi trong quá trình trẻ đang chơi và việc muốn lớp học trông đẹp mắt có thể được thực hiện bởi sự sắp xếp sau đó của giáo viên. Ngoài ra, các cô giáo cũng có thể tạo cảm giác đáng yêu, đẹp mắt cho lớp học ở các tầng treo trên cao với các Chandeliers.
- Việc đưa trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt dưới 2 tuổi đi học trải nghiệm bên ngoài đôi khi bị hạn chế bởi khả năng di chuyển hoặc sự hỗ trợ đầy đủ của người lớn. Chính vì vậy, nếu không thường xuyên đưa bé đi field trip được thì có thể mang thiên nhiên vào lớp học. Những gì của thế giới bên ngoài có thể đưa vào cho trẻ trải nghiệm thì có thể giúp trẻ trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu trường hoc có thể cho trẻ cơ hội được trải nghiệm ngoài trời một cách thường xuyên ngoài thiên nhiên là điều tuyệt vời nhất.
- Trẻ cũng chưa có đủ trải nghiệm để thực sự hiểu mình hứng thú với cái gì, muốn chơi cái gì. Trẻ cũng chưa có ngôn ngủ đủ để diễn đạt cho chúng ta hiểu, chứ chưa nói đến việc đặt các câu hỏi và trình bày các ý tưởng. Chính vì vậy, chưa thể cho trẻ học thông qua các dự án. Trẻ sẽ chủ yếu học thông qua các trải nghiệm. Lúc này, vai trò của người giáo viên trong việc chuẩn bị môi trường để trẻ được trải nghiệm là vô cùng quan trọng. Trong quá trình trẻ khám phá tìm hiểu môi trường mà giáo viên tạo ra, giáo viên có nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn cho trẻ và quan sát, ghi chép lại những biểu hiện của trẻ để biết trẻ có hứng thú hay không để lên kế hoạch cho các hoạt động trải nghiệm lần sau. Các cô giáo đừng rơi vào cái bẫy của việc mỗi một hoạt động chúng ta đưa ra toàn bộ trẻ phải chơi, phải tham gia. Trẻ có thể thích hoặc không thích, tham gia nhiều hoặc ít đó là quyền của trẻ. Chúng ta cần tôn trọng và để cho trẻ tự dẫn dắt. Từ 2-3 tuổi, chúng ta có thể tổ chức những trải nghiệm của trẻ theo các chủ đề nhỏ để dễ dàng cho việc chuẩn bị các nguồn nguyên liệu.
“ Việc đưa phương pháp Reggio Emilia vào cho độ tuổi nhà trẻ mặc dù có vẻ khó khăn, nhưng hoàn toàn khả thi. Chắc chắn rằng, các cô giáo đáng yêu của chúng ta với sự kiên nhẫn, thấu hiểu và ấm áp, chúng ta sẽ thành công.” Chị Lưu Thị Minh Hường - Giám đốc Chuỗi trường Merbaby Nursery.
Sự đồng hành của phụ huynh trong quá trình nuôi dạy trẻ
Gia đình là yếu tố có giá trị cốt lõi trong việc giáo dục trẻ. Với phương pháp tiếp cận Reggio Emilia, thì điều này lại càng đúng hơn bao giờ hết. Nhà trường luôn cần sự đồng hành của phụ huynh từ những điều đơn giản nhất. Do đó, hãy xây dựng văn hóa đồng hành và niềm tin của phụ huynh từ ngay khi phụ huynh tìm hiểu các thông tin về trường và đăng ký học tại trường. Thêm vào đó, các hoạt động kêu gọi sự tham gia của phụ huynh hay đóng góp công sức của phụ huynh không chỉ giúp các bậc cha mẹ gắn kết với con nhiều hơn mà còn giúp phụ huynh tích cực tham gia trong hoạt động nuôi dạy trẻ.
Nhận được sự ủng hộ của phụ huynh chính là động lực lớn để giáo viên tiếp tục cố gắng trên con đường học hỏi, tìm hỏi, sáng tạo những dự án hay, chương trình học tuyệt vời cho trẻ.
Ở thành phố Reggio Emilia, một số trường họ khuyến khích phụ huynh đồng hành, tham gia vào lớp học và làm việc trực tiếp với trẻ em. Trong khu vực Bảng tin hoặc cửa lớp của nhiều trường học Reggio thường thấy: các hoạt động dự kiến trong tuần, một vài lời dẫn về các hoạt động đã hoàn thành trong ngày, tác phẩm nghệ thuật do học sinh tạo ra cùng với ảnh minh hoạ, lời bình, hay dự án nào đang diễn ra trong lớp học.
Như vậy theo một cách nào đó, cách dễ nhất để khuyến khích phụ huynh Quan tâm đến cuộc sống ở trường là bạn hãy làm cho nó thú vị hơn. Hãy nghĩ xem khi một đứa trẻ nói chuyện nhiệt tình về các hoạt động trong ngày tại lớp, chúng khuyến khích cha mẹ bằng những câu hỏi thú vị, hay một vài phụ huynh thích thú với những bức ảnh của con họ tham gia sâu vào việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật họ sẽ muốn thảo luận với con của họ và nói chuyện với giáo viên.
Chúng tôi đưa ra một số gợi ý để các thầy cô khuyến khích cha mẹ đồng hành, tham gia cùng các hoạt động ở trường:
- Phụ huynh tham dự các buổi ăn tối do các đầu bếp của trường điều hành, họ giải thích và trình bày cách chuẩn bị bữa ăn cân bằng cho trẻ nhỏ.
- Tham gia các buổi đi chơi và lễ kỷ niệm của trường. Các bữa tiệc cho các nhóm gia đình cụ thể như ông bà thường được tổ chức để tôn vinh tầm quan trọng và tính độc đáo của các mối quan hệ này.
- Nấu ăn – các món ăn truyền thống, đặc sản
- Art Activities – Các hoạt động nghệ thuật
- Kể chuyện (những trải nghiệm trong quá khứ, hiện tại, theo chủ đề, câu chuyện cổ tích, tiểu thuyết)
- Khách mời âm nhạc, bác sĩ,…
- Thăm gia đình/ nơi làm việc
- Field Trips – Các chuyến đi thăm cánh đồng (vườn cây, trang trại … theo chủ đề)
- …
Trẻ có một hoạt động đầy ý nghĩa dựa trên kế hoạch bài giảng của giáo viên và các khối lego được ủng hộ từ phụ huynh
“Tại Học viện Mầm non AMI, chúng tôi tin rằng mối quan hệ tin cậy, sự đồng hành giữa phụ huynh và giáo viên phải nỗ lực dần dần vun đắp. Bởi chắc chắn không giáo viên, phụ huynh hay cá nhân nào lại có thể có nhiều ý tưởng tốt hơn những ý tưởng do một nhóm đối thoại cùng nhau tạo ra. Trong xu thế toàn cầu hoá, nhà trường – giáo viên – phụ huynh cùng có trách nhiệm và đoàn kết để hỗ trợ trẻ phát triển. Khi thầy cô giáo dành thời gian để đón trả từng đứa trẻ và cha mẹ của chúng khi chúng đến trường, chúng tôi tăng thông tin cho phụ huynh hiểu điều gì đang diễn ra tại lớp/trường, các giáo viên trao quyền cho phụ huynh đặt nhiều câu hỏi về các hoạt động trong ngày. Cha mẹ rất khó đồng hành nếu họ không hiểu, không chắc chắn về những gì đang xảy ra!” - Chị Nguyễn Thanh Vân - Hiệu trưởng Học viện Mầm non AMI.
Hạnh phúc khi được đồng hành cùng trẻ trên hành trình khám phá thế giới
Trên hành trình khám phá thế giới của trẻ, giáo viên, nhà trường và phụ huynh chính là người đồng hành tốt nhất. Trẻ được quyền tiếp thu những kiến thức mà mình muốn, được quyền phát triển những khả năng tiềm ẩn riêng của mình và được quyền hạnh phúc trên hành trình đó.
Là một đơn vị hỗ trợ các trường mầm non, điều tuyệt vời nhất là LittleLives chúng tôi đã giúp cho giáo viên có nhiều thời gian hơn để quan sát, hướng dẫn cho các con; hỗ trợ nhà trường vận hành một hệ thống trường học an toàn, tối ưu; giúp phụ huynh lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trên chặng đường đời đầu tiên của bé.
“Trên phần mềm quản lý mầm non LittleLives, giáo viên có thể gửi các hình ảnh, video, đánh giá hàng ngày của trẻ đến phụ huynh. Phụ huynh dễ dàng cập nhật thường xuyên hơn. Qua mỗi dự án, giáo viên có thể tiết kiệm thời gian, chi phí khi xây dựng các báo cáo học tập tự động để gửi đến phụ huynh, giúp phụ huynh hiểu rõ quá trình học tập của trẻ tại trường.” - Chị Nguyễn Kim Chi - Hiệu trưởng Hệ thống Trường Mầm non Song ngữ Victoria Bilingual Preschool.
_________________________________________________________
Phần mềm Quản lý Trường học và Tương tác với phụ huynh LittleLives
LittleLives là công ty cung cấp phần mềm quản lý trường học được công nhận bởi Bộ giáo dục Singapore, Vụ giáo dục mầm non Singapore và được Hội giáo dục mầm non Singapore xếp hạng phần mềm số 1 giúp các giáo viên và nhà trường theo dõi sức khoẻ và quá trình học tập của trẻ. LittleLives có sự hiện diện mạnh mẽ tại hơn 1500 trường học tại Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Canada, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Brunei và Indonesia.
Liên hệ Đội ngũ LittleLives để nhận tư vấn miễn phí tại đây hoặc qua Hotline: 098.990.2292 (Hỗ trợ khu vực phía Bắc)
039.629.0599 (Hỗ trợ khu vực phía Nam)