date=2024-09-19

Toạ đàm "Phát triển năng lực số cho trẻ em – Kinh nghiệm từ Singapore và cơ hội cho giáo dục Việt Nam”

Toạ đàm "Phát triển năng lực số cho trẻ em – Kinh nghiệm từ Singapore và cơ hội cho giáo dục Việt Nam”

Ngày 19/09/2024, LittleLives Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục, Khoa Giáo dục sớm và Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN tổ chức tọa đàm “Phát triển năng lực số cho trẻ em – Kinh nghiệm từ Singapore và cơ hội cho giáo dục Việt Nam”. 

Mục đích của buổi toạ đàm nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lực số cho trẻ em tại Singapore, đồng thời tìm kiếm cơ hội áp dụng những kinh nghiệm quý báu này vào nền giáo dục mầm non Việt Nam.

Buổi toạ đàm có sự tham gia của đại diện Trường Đại học Giáo dục - PGS.TS. Lê Thái Hưng, Phó hiệu trưởng, đại diện Công ty LittleLives Singapore - Ông Ming Hwee Chong, CEO LittleLives Global và ThS. Hà Huyền My, quản lý cấp quốc gia LittleLives Việt Nam; cùng các đại biểu khách mời: TS. Lê Thị Luận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ThS Đinh Thị Hương, Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non, quận Cầu Giấy, Hà Nội. TS. Hoàng Thị Nho, Trưởng Bộ môn GDMN, Trường ĐHGD, TS. Chu Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học GD, Trường ĐHGD cùng các giảng viên Khoa Giáo dục Sớm và Tiểu học, chuyên gia về giáo dục, các CBQL và GVMN ở các cơ sở GDMN.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Phạm Quang Tiệp nhấn mạnh đến vai trò của phát triển năng lực số cho trẻ em, tầm quan trọng của hoạt động phát triển năng lực số đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.

Giáo dục mầm non tại Việt Nam hiện đang trải qua một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả mang lại những giá trị giáo dục tốt đẹp cho trẻ em Việt Nam bắt kịp với xu hướng và tiêu chuẩn của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

PGS.TS Phạm Quang Tiệp phát biểu khai mạc buổi tọa đàm

Tại Singapore, lĩnh vực công nghệ số đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, và chương trình giảng dạy, phát triển năng lực số cho trẻ em ở Singapore trang bị cho trẻ các kỹ năng cơ bản về công nghệ từ sớm không chỉ giúp các em làm quen với các thiết bị kỹ thuật số mà còn phát triển khả năng tư duy logic, sáng tạo, và kỹ năng giải quyết vấn đề. Giáo viên áp dụng các phương pháp tiếp cận công nghệ cần được lồng ghép vào các hoạt động vui chơi và học tập hàng ngày, đảm bảo phù hợp với sự phát triển tâm lý của trẻ. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh trong việc hướng dẫn và giám sát việc sử dụng công nghệ, giúp trẻ tiếp cận với công nghệ một cách cân bằng và lành mạnh. Điều này không chỉ góp phần xây dựng một thế hệ công dân số mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho trẻ em trong tương lai.

Trong phần chính của buổi toạ đàm, Tổng giám đốc LittleLives Global - Ông Chong Ming Hwee đã có một bài chia sẻ rất chi tiết và thú vị về phát triển năng lực số cho trẻ em, đi qua các nội dung chính

  • 6 yếu tố chính của năng lực số đối với trẻ em
  • 5 Lĩnh vực tác động chính của sự phát triển năng lực kỹ thuật số của trẻ mầm non
  • 3 Yếu tố hỗ trợ phát triển năng lực số cho trẻ mầm non 
  • và Các ứng dụng thực tiễn trong việc phát triển năng lực số vào bài học cho trẻ tại các trường mầm non Singapore.
Ông Ming Hwee Chong - CEO LittleLives Singapore trình bày tại Toạ đàm

Ông nhấn mạnh tại Singapore, việc giáo dục năng lực số cho trẻ em mầm non được thực hiện thông qua một hệ thống giáo dục tiên tiến và sáng tạo. Trẻ em được tiếp xúc với công nghệ từ sớm nhờ vào việc tích hợp các thiết bị như máy tính bảng và phần mềm giáo dục vào chương trình học. Công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được sử dụng để tạo ra các trải nghiệm học tập sinh động, giúp trẻ khám phá thế giới và các khái niệm học tập một cách trực quan. Các trò chơi và ứng dụng giáo dục được thiết kế đặc biệt để phát triển kỹ năng số cơ bản, kích thích sự sáng tạo và tư duy giải quyết vấn đề của trẻ. Đặc biệt đội ngũ giáo viên ở Singapore được đào tạo bài bản về việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy, giúp họ tích hợp hiệu quả các công cụ kỹ thuật số vào các hoạt động học tập.

TS. Tôn Quang Cường - Trưởng Khoa Công nghệ giáo dục, trường Đại học Giáo dục, ĐHQG HN chia sẻ về phát triển năng lực số cho trẻ em Việt Nam

Phát triển năng lực số cho trẻ em mầm non là một yếu tố quan trọng trong việc chuẩn bị các em tiếp cận với cuộc sống hiện đại. Ở độ tuổi này, việc tiếp cận và làm quen với công nghệ không chỉ giúp trẻ phát triển các kỹ năng cơ bản như sử dụng thiết bị số mà còn kích thích khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Vì thế, các hoạt động giáo dục số cần được thiết kế sao cho phù hợp với sự phát triển của trẻ, bao gồm việc sử dụng các ứng dụng học tập đơn giản, trò chơi giáo dục và các công cụ tương tác. Để đạt được hiệu quả, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia giáo dục trong việc xây dựng chương trình học và giám sát việc sử dụng công nghệ. Đồng thời, việc đảm bảo an toàn và cân bằng trong việc tiếp cận công nghệ là điều thiết yếu, giúp trẻ phát triển toàn diện về cả kỹ năng số và các kỹ năng mềm khác.

Phần trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, các nhà quản lý về Giáo dục Mầm non

Việc phát triển năng lực số cho trẻ em mầm non là một nhiệm vụ quan trọng trong cả hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập. Trong các trường công lập, sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, như máy tính và thiết bị số, cùng với việc tích hợp công nghệ vào chương trình học, là rất cần thiết. Các trường công lập cần thiết lập các phương pháp giảng dạy hiệu quả, đào tạo giáo viên sử dụng công nghệ, và phối hợp với phụ huynh để tạo điều kiện học tập an toàn và hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng số. Các hệ thống và trường ngoài công lập thường có sự linh hoạt hơn trong việc áp dụng các công nghệ mới và sáng tạo. Họ có thể tích hợp các công cụ và ứng dụng số tiên tiến vào chương trình học một cách nhanh chóng, tạo ra môi trường học tập phong phú và thú vị cho trẻ. Đào tạo giáo viên và cập nhật các xu hướng công nghệ cũng là những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục số trong các trường ngoài công lập.


Kết thúc buổi tọa đàm, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục, Khoa Giáo dục Sớm và Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục mong muốn cùng LittleLives Global và các chuyên gia, các nhà quản lý cùng hợp tác, nghiên cứu nhằm thúc đẩy và hỗ trợ phát triển năng lực số ở trẻ em trong các cơ sở giáo dục, tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu về công nghệ số có  thể áp dụng trong các nhà trường.