Trẻ nhỏ đối diện với nỗi buồn và đau khổ như thế nào?
Làm sao để trò chuyện với con về những cảm xúc tiêu cực?
Một trong những thách thức lớn nhất đối với trẻ em nói chung và đặc biệt nhóm trẻ văn hóa thứ ba (những đứa trẻ sống phần lớn thời gian ở một quốc gia, một nền văn hóa khác ngoài quốc gia gốc của cha mẹ.) là đối mặt với nỗi đau và những mất mát trong cuộc sống. Những tổn thất đó có thể đến từ việc mất đi những người bạn thân khi họ chuyển chỗ ở, mất đi những người hàng xóm tình nghĩa khi cả gia đình của trẻ dọn nhà hoặc đơn giản chỉ là mất đi cảm giác quen thuộc khi trẻ phải chuyển đến một môi trường mới.
Hiển nhiên là không riêng gì trẻ con mà đến cả người lớn có thể cũng trải qua cảm giác đau khổ hay buồn bã gây ra bởi những tổn thất kể trên. Những sự việc diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của trẻ như tranh cãi với bạn bè hoặc chuyển chỗ ở có thể gây ra rất nhiều nỗi buồn. Nhiều chuyên gia giáo dục và nhân viên trẻ tuổi đã không được đào tạo một cách chuyên nghiệp về cách giúp học sinh vượt qua sự đau buồn hoặc mất mát. Kết quả là, tôi đã nghe thấy một số quan niệm sai lầm trong quá trình công tác của mình. Ngay bây giờ, tôi sẽ chia sẻ với các bạn về những quan niệm sai lầm này cùng với cách tháo gỡ chúng.
QUAN NIỆM SAI LẦM 1: Những cảm xúc khó chịu nào cũng 'tiêu cực'
Theo kinh nghiệm nhiều năm của chúng tôi, có nhiều loại cảm xúc khác nhau, một số thì dễ chịu hơn số khác. Những cảm xúc như hào hứng, vui mừng hay ngạc nhiên thường đem lại cảm giác dễ chịu và nhiều người tìm mọi cách để có được cảm giác tích cực. Mặc dù tính tích cực chắc chắn sẽ thúc đấy tính kiên cường, nhưng việc lúc nào cũng cảm thấy tích cực thường là không thực tế hoặc lành mạnh cho lắm. Chúng ta có thể trải qua những sự kiện buồn bã hoặc đau thương để rồi cảm thấy khó chịu nhiều hơn, chẳng hạn như cảm giác buồn rầu hoặc tiếc thương. Khi phải đối mặt với những trải nghiệm khó khăn thì những cảm xúc như vậy được bộc lộ ra là hết sức bình thường. Nếu chúng ta quy kết những cảm xúc đó là "tiêu cực" thì có thể sẽ có khuynh hướng cho rằng đây là những cảm xúc không được mong muốn và khuyến khích con trẻ tránh thể hiện những cảm xúc đó.
Cách tháo gỡ
Hãy thử khuyến khích con trẻ xem những cảm xúc của chúng hoàn toàn chỉ là một hình thức thông tin. Khi bạn trải qua một cảm giác cụ thể nào đó thì hẳn là phải có lý do của nó. Bạn thử hỏi điều gì có thể tạo ra cảm giác đó, hoặc cảm giác đó đang cố gắng mang lại thông điệp gì cho con trẻ. Thay đổi cách nhìn nhận của trẻ về những cảm xúc 'tiêu cực' có thể sẽ rất hữu ích trong việc giúp trẻ học cách tự điều chỉnh những cảm xúc của mình.
QUAN NIỆM SAI LẦM 2: Trò chuyện về những cảm giác khó chịu sẽ làm cho tình hình càng trở nên tệ hơn
Trong trường hợp này, điều ngược lại mới đúng: KHÔNG trò chuyện về những cảm giác khó chịu chính là tạo điều kiện cho chúng tồn tại lẩn quẩn hoặc thậm chí phát triển mạnh mẽ hơn bên trong con trẻ. Trò chuyện về những cảm giác khó chịu thông qua việc gọi đúng tên cảm xúc của con bạn là điều cần thiết. Thời điểm trẻ nói ra được cảm giác của mình là lúc phản ứng mang tính cảm xúc bắt đầu dịu dần.
Cách tháo gỡ
Đơn giản chỉ cần cho trẻ thời gian và không gian để giải thích và bộc lộ cảm xúc của chúng, bao gồm cảm xúc tốt, cảm xúc xấu hoặc cảm xúc lẫn lộn. Nếu bạn đã từng cố gắng đưa ra một giải pháp dựa trên lý trí để xoa dịu một người đang trong cao trào cảm xúc, bạn sẽ biết rằng giải pháp đó không hiệu quả nhiều cho lắm. Để có thể dàn xếp ổn thỏa và hợp lý một tình huống, điều quan trọng cần làm trước tiên là phải chú tâm đến những cảm xúc nảy sinh từ tình huống đó.
QUAN NIỆM SAI LẦM 3: Con trẻ vốn kiên cường
Nếu đây là điều bạn tin chắc như vậy, có thể bạn đang bỏ lỡ cơ hội để hỗ trợ con trẻ phát triển tính cách mạnh mẽ. Dĩ nhiên là một số trẻ vốn kiên cường trong khi một số khác thì không. Trong trường hợp những trẻ yếu đuối, có thể chúng đã từng mạnh mẽ nhưng chính những trải nghiệm của trẻ về sự mất mát hay đau thương đã làm hao mòn dần dần ý chí mạnh mẽ của trẻ. Sẽ rất hữu ích khi cho rằng tính cách mạnh mẽ là điều gì đó cần phải được bồi đắp và chú ý để duy trì và gia tăng, chứ không phải chỉ là một tính cách bẩm sinh không thể thay đổi được.
Cách tháo gỡ
Mô hình của Martin Seligman về sự lạc quan là một công cụ tuyệt vời để nâng cao tính kiên cường khi đối mặt với thử thách. Mô hình của ông giải thích rằng việc trải qua thời kỳ khó khăn chỉ là tạm thời và gói gọn ở một lĩnh vực cụ thể nào đó trong cuộc sống mà thôi. Phần cuối cùng của mô hình nhằm cân nhắc nỗ lực trong khả năng của bạn để thay đổi tình hình. Mô hình của Martin Seligman đạt được hiệu quả trong việc đưa ra phương pháp để tu dưỡng tính kiên cường và khả năng tiến về phía trước nhanh chóng hơn sau khi trải qua nghịch cảnh.
*** Người dịch: Tina Phạm Bản quyền dịch: Canh Dieu Project Nguồn tham khảo: https://positivetimes.com.au/dealing-with-grief-sadness-by-dr-sarah-whyte/ -----
Nguồn: https://www.heary.edu.vn/post/trẻ-nhỏ-đối-diện-với-nỗi-buồn-và-đau-khổ-như-thế-nào