Vì sao trường học cần tích cực duy trì liên lạc với gia đình trong thời gian giãn cách xã hội?
Tác giả bài viết: Cộng đồng giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam (VIRES)
Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những thay đổi lớn đối với nền giáo dục trên toàn thế giới. Theo UNESCO, hơn 800 triệu học sinh, sinh viên trên thế giớibị gián đoạn việc học do các biện pháp phòng ngừa và chính sách được thực hiện để dập tắt sự lây lan của dịch bệnh (2021). Đối với giáo dục mầm non, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này đã gây ra những thay đổi lớn chưa từng có trong cuộc sống của trẻ em và gia đình, giáo viên dạy trẻ và giáo viên dạy trẻ nhỏ cũng như các nhà giáo dục giáo viên mầm non. Trong bối cảnh khủng hoảng này, mối dây liên kết giữa gia đình với nhà trường càng cần được thắt chặt để cùng nhau vượt qua. Dù trường học có đóng cửa, việc duy trì liên lạc với các gia đình của trẻ theo học tài trường vẫn mang ý nghĩa vô cùng to lớn:
Hỗ trợ các gia đình trong việc chăm sóc trẻ hàng ngày, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của trẻ
Tại Việt Nam, dịch bệnh đã khiến cho khoảng 4,4 triệu trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo không được đến trường vui chơi, học tập, đây là một thiệt thòi lớn đối với trẻ trong giai đoạn phát triển quan trọng của các em, và cũng là một áp lực không nhỏ đối với các phụ huynh đang đi làm. Theo một đánh giá gần đây về tác động của COVID-19 đối với giáo dục mầm non do Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Việt Nam thực hiện cho thấy 41% số người được hỏi - đại diện cho ban giám hiệu trường học và giáo viên mầm non từ tất cả các tỉnh - cho biết rằng phụ huynh lo lắng về đại dịch và ảnh hưởng của nó đến đời sống, công việc, thu nhập cũng như việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái họ ở nhà (UNICEF, 2020). Phụ huynh cũng bày tỏ rằng họ thật sự muốn nhà trường cải thiện việc liên lạc trong suốt giai đoạn giãn cách xã hội để hỗ trợ họ trong việc nuôi dạy con cái ở nhà (Brookings, 2020). Việc duy trì kết nối với gia đình qua các hình thức tương tác, hỗ trợ thông tin, cung cấp các tài liệu học sẽ góp phần chia sẻ áp lực này, và quan trọng hơn hết là đảm bảo quyền được học tập, vui chơi, kết nối xã hội chính đáng của trẻ ngay trong những hoàn cảnh thử thách nhất.
Thu thập, nắm thông tin về sự phát triển, thay đổi tâm sinh lý ở trẻ trước khi quay lại trường
Giai đoạn mầm non là những giai đoạn đầu phát triển, hết sức nhạy cảm của trẻ nhỏ. Nhà trường cần thường xuyên thu thập thông tin về tình hình của trẻ ở nhà: cảm xúc, tâm trạng, sức khoẻ, quá trình sinh hoạt, vui chơi, học hỏi của trẻ, môi trường xung quanh, môi trường trong gia đình trẻ, cách trẻ nhìn nhận về những gì đang diễn ra hàng ngày. Những thông tin này sẽ cung cấp cho giáo viên khái quát tình hình của trẻ trong thời gian dài ở nhà, để có thể cung cấp những hỗ trợ kịp thời từ góc độ chuyên môn sư phạm, cũng như đánh giá mức độ sẵn sàng quay lại trường học và thiết kế các hoạt động chuyển tiếp phù hợp khi các bé quay lại trường học.
Duy trì sĩ số và ổn định tuyển sinh
Việc duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình giúp tăng cường gắn kết giữa nhà trường và gia đình, giúp các gia đình cảm nhận được sự quan tâm, thiện chí của nhà trường và các giáo viên trong giai đoạn bất ổn. Sự tận tình sẽ là một điểm cộng đối với nhà trường, khiến cho phụ huynh tin tưởng và lựa chọn ngôi trường cho con trẻ của mình tiếp tục học tập hay giới thiệu cho người thân quen nên cho con theo học.
Nguồn tham khảo:
Nếu bạn đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và mong muốn đóng góp những nội dung, bài viết của mình, vui lòng liên hệ với chúng tôi tại storytellers@littlelives.com.
Chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác nội dung và chúng tôi rất vui được xem thêm các bài báo giáo dục!